[Trivia] Swordsoul – Thập kiếm Trung Hoa
Bạn đã biết nguồn gốc xuất xứ của những Swordsoul hùng mạnh mà bạn thường thấy trên các bảng Meta Report? Nếu chưa, xin chúc mừng, vì đây là bài viết dành cho bạn. Ra mắt trong Burst of Destiny, Swordsoul được tạo ra nhờ cảm hứng đến từ truyền thuyết thập kiếm của Trung Quốc. Vậy cụ thể là gì? Hãy cùng tụi mình tìm hiểu nhé!
1. Mo Ye, the Swordsoul Swordmaster:
Lá bài đầu tiên chúng ta sẽ tìm hiểu chính là Mo Ye. Đây chính là thanh kiếm Mạc Tà (莫邪;) – nằm trong bộ đôi Can Tương – Mạc Tà. Nói đến bộ đôi kiếm thư hùng nổi tiếng nhất Trung Hoa và cũng có nguồn gốc ly kỳ nhất thì phải là đôi song kiếm Can Tương – Mạc Tà
Can Tương và Mạc Tà là tên của hai vợ chồng thợ rèn kiếm Trung Quốc cuối thời Xuân Thu ở nước Ngô. Cùng với thầy dạy nghề của họ là Âu Dã Tử; Can Tương Mạc Tà được coi là những thợ rèn kiếm giỏi nhất thời Xuân Thu mà sản phẩm tiêu biểu là hai thanh kiếm Can Tương, Mạc Tà.
Theo “Ngô Việt Xuân Thu” thì Can Tương là một người luyện kiếm tài danh người nước Ngô thời Xuân Thu. Sau ba mươi ngày lội suối trèo non; Can Tương đã tìm ra được một quặng sắt vô cùng quý giá; ông đã cho dựng lò luyện kiếm.
[Trivia] Swordsoul – Thập kiếm Trung Hoa. [Trivia] Swordsoul; Thập kiếm Trung Hoa
Luyện trăm ngày mà quặng sắt chẳng chịu chảy ra. Mạc Tà bèn tự mình nhảy vào lò bễ; quả nhiên quặng sắt chảy ra và cho ra đời hai thanh kiếm: Hùng Kiếm (kiếm đực) là Can Tương; Thư Kiếm (kiếm cái) là Mạc Tà nổi tiếng sắc bén.
Vua Hạp Lư (nước Ngô) đòi ông phải dâng kiếm báu, ông đưa cho nhà vua thanh Can Tương. Hạp Lư sau đó đòi nốt thanh Mạc Tà; Can Tương khóc ròng vì ông coi thanh kiếm này như vợ mình. Nhưng khi quân lính đến; bỗng thanh Mạc Tà biến thành con rồng xanh cõng Can Tương bay vụt lên trời (nếu bạn nhìn kĩ, trong artwork của lá bài này có hình con rồng xanh cuộn quanh thanh kiếm). Sau khi nước Ngô bị tiêu diệt, thanh Mạc Tà biến mất.
[Trivia] Swordsoul – Thập kiếm Trung Hoa. [Trivia] Swordsoul – Thập kiếm Trung Hoa
Đó cũng là lí do trong artwork, cây kiếm được Konami làm cho cực kì sắc nét (như đặc điểm của chính nó). Người điều khiển cây kiếm là nữ cũng vì lí do trên đó.
2. Tai A, the Swordsoul Swordmaster:
Tiếp theo, chúng ta sẽ tìm hiểu về Tai A, the Swordsoul Swordmaster. Lá bài này được lấy cảm hứng từ thanh kiếm Thái A (泰阿). Thái A là 1 trong 3 thanh kiếm được đúc kiếm từ thợ rèn huyền thoại của Trung Quốc – Âu Dã Từ; cùng người học trò Can Tương rèn cho Việt vương Câu Tiễn diệt Ngô. Thanh kiếm Thái A có sự tích đặt tên cũng khá đặc biệt; được ghi trong hai cuốn Từ điển Từ ngữ Điển cố Văn học và Từ ngữ Văn Nôm.
Lúc nhà Tần chưa diệt được Ngô, Trương Hoa xem thiên văn thường thấy giữa sao Đẩu và sao Ngưu có luồng khí màu đỏ tía; các đao thuật đều nói đó là điềm báo nước Ngô đang buổi cường thịnh, chưa đánh được. Riêng Trương Hoa cho lời nói đó không đúng. Đến khi đánh lấy được Ngô rồi, luồng khí lại mạnh và sáng hơn. Trương Hoa mới đem chuyện hỏi Lôi Hoán, người giỏi về thiên văn thuật số.
[Trivia] Swordsoul – Thập kiếm Trung Hoa
Lôi Hoán cùng Trương Hoa lên lầu cao quan sát một hồi lâu. Lôi Hoán nói: “Chỉ giữa sao Đẩu và sao Ngưu là có luồng khí lạ đó. Ấy là cái tinh của bảo kiếm ở Phong Thành xông lên tận trời đấy”. Trương Hoa nói : “Quả vậy, nay tôi muốn phiền anh ra làm quan lệnh ở đất ấy rồi ra công tìm gươm báu cho”. Lôi Hoán nhận lời. Ông đến Phong Thành, cho đào nền nhà ngục; thì tìm ra được một cái hòm đá nằm sâu dưới lòng đất hơn bốn trượng. Khi sáng lóe ra, bên trong có hai thanh gươm; một thanh có khắc chữ “Long Tuyền”, và một thanh khắc chữ “Thái A”. Đêm hôm đó không thấy luồng khí lạ ở giữa sao Đẩu và sao Ngưu nữa”.
Trong artwork, đặc điểm “sáng lóe lên” đó đã được khắc họa trong cây kiếm mà Konami đã vẽ ra.
3. Long Yuan, the Swordsoul Tactician:
Lá bài thứ 3 chúng ta tìm hiểu ở đây chính là Longyuan. Nó được gọi tên theo 1 loại kiếm như chúng ta đã nhắc ở trên – Long Tuyền (龙泉.) hay Long Uyên (龙渊). Long Tuyền (Long Uyên) cũng được tạo bởi Âu Dã Từ và Can Tương đúc thành.
Đúc thanh kiếm này, Âu Dã Tử và Can Tương đã đục Tì sơn, để dòng suối từ trong núi chảy ra, chảy đến bên lò đúc kiếm thành 7 cái ao có 7 sao Bắc Đẩu vây quanh, nên có tên là “Thất Tinh”
Sau khi kiếm thành, cúi trông thân kiếm, như lên núi cao mà nhìn xuống vực sâu, lúc ẩn lúc hiện; phảng phất có con rồng lớn cuộn nằm, nên có tên là “Long Uyên” .
Kĩ thuật đúc thanh kiếm này đương nhiên là tinh xảo, nhưng sự nổi tiếng của nó còn ở chỗ một ngư ông bình thường mà không có cách nào để biết danh tính chân thực: ngư trượng nhân .
Nói đến Ngũ Tử Tư vì bị gian thần hãm hại, vong mạng nơi chân trời; bị binh mã nước Sở truy đuổi suốt cả chặng đường. Được ngư trượng nhân giúp đỡ, Ngũ Tử Tư thoát nạn. Ông định đưa bảo kiếm Long Uyên để báo đạp ngư trượng nhân, nhưng vì Ngư trượng nhân cảm thấy bị nghi ngờ về phẩm hạnh; nên đã dùng thanh kiếm đó tự sát. Ngũ Tử Tư đau buồn hối hận vô cùng.
Thanh kiếm này truyền đến đời Đường, vì tị huý Đường Cao Tổ Lí Uyên nên đổi tên thành “Long Tuyền”
Trong artwork, đặc điểm của thanh kiếm này cũng đã được Konami khắc họa rất rõ nét.
4. Chun Jun, the Swordsoul Auspicious Beast:
Tiếp theo, hãy cùng tìm hiểu về Chun Jun, the Swordsoul Auspicious Beast. Lá bài này được lấy cảm hứng từ kiếm Thuần Quân (纯钧). Trong sách Việt tuyệt thư ; quyển 11 phần “Ngoại truyền kỳ bảo kiếm” nói rằng Âu Dã Từ cũng là cha đẻ của loại kiếm này. Có một câu chuyện nói về thanh kiếm này đã được ghi trong Việt tuyệt thư:
Câu Tiễn, sau khi đánh bại nước Ngô, hứng chí đi tìm một người tên Tiết Chúc. Tiết Chúc là một trong những người tài trong việc nhìn kiếm. Sau khi tiếp đón chu đáo, Câu Tiễn đưa cho Tiết Chúc 2 thanh bảo kiếm, nhưng đều bị Tiết Chúc chê thậm tệ.Câu Tiễn mất mặt, liền sai hộ tống thanh bảo kiếm. Tiết Chúc không biết, tỏ ra ý khinh thường. Đối với thái độ của Tiết Chúc, Câu Tiễn không vui buông ra hai chữ: “Thuần Quân”
Chỉ nghe 1 tiếng ầm, Tiết Chúc từ chỗ ngồi ngã nhào, mãi sau mới có thể hoàn hồn. Chỉ thấy đầu ngón chân của Tiết Chúc chạm đất, nhún một cái nhảy xuống đài chạy đến bên thanh kiếm khom mình, sau đó nghiêm túc chỉnh lí lại y phục, tiếp thanh kiếm từ tay thị tùng, cung kính gõ mấy cái. Sau khi nhấc nhấc vài cái để ước định trọng lượng, Tiết Chúc mới rút kiếm ra khỏi vỏ.
Swordsoul – Thập kiếm Trung Hoa
Chỉ thấy một luồng ánh sáng phát ra, giống như hoa phù dung nhô lên mặt nước, ung dung mà mát lạnh, điêu khắc trang sức trên chuôi kiếm như tinh tú vận hành, lấp lánh ánh sáng, ánh sáng trên thân kiếm trọn vẹn một khối, như dòng nước trong từ từ chảy qua ao, thung dung và thư thái, mũi kiếm như vách núi dựng đứng ngàn trượng, cao nguy nga. Cầu Tiễn sau đó hỏi xem có nên đổi thanh kiếm này lấy lâu đài tài sản nguy nga hay không. Tiết Chúc liền giải thích đấy là thanh bảo kiếm quý giá, những tài sản kia không đáng để đổi. Câu Tiễn hài lòng và luôn giữ thanh bảo kiếm này.
Trong artwork, ta có thể thấy sức mạnh cũng như uy nghiêm của loại kiếm thần này.
5. Chi Xiao, the Swordsoul Grand Swordmaster:
Lá bài tiếp theo chúng ta sẽ tìm hiểu ở đây đó là Chi Xiao, the Swordsoul Grand Swordmaster. Nó được đặt tên theo thanh kiếm Xích Tiêu (赤霄) trong bộ thập kiếm của Trung Quốc. Có một câu chuyện về thanh kiếm này như sau:
Thời Tần, có một thanh niên lười biếng, ham rượu, háo sắc, thích nói dối. Không biết từ đâu, anh ta có được một cây gậy sắt đã rỉ sét; nói với người trong làng rằng đó là thanh bảo kiếm có được từ chỗ Nam Sơn tiên nhân. Anh ta còn nói biết Thủy Hoàng Đế, và coi Thủy Hoàng Đế như bạch long; lại cho không bằng mình, vì anh ta tự cho mình như là xích long có pháp lực cao hơn. Anh ta nói mình biết nguyên khí Thủy Hoàng Đế hóa thành bạch long, rồi trong khi đang ngao du, anh ta nói sẽ đi chém bạch long. Mọi người đều cho là anh ta nói đùa, đại ngôn, chẳng ai tin.
Nhưng vào một đêm, mấy chục thanh niên vừa đi làm vừa học việc. Chàng thanh niên này cũng gia nhập nhưng không phải đi làm thuê mà là đi cho vui, vừa đi vừa lấy bình rượu ra uống. Trong khu vực này, có nhiều người mất tích một cách bí ẩn, khi dò ra thì nguyên nhân là trông thấy một con bạch xà lớn hung ác nằm chặn giữa đường. Lúc này, anh chàng đang trong cơn say, gạt đám đông ra và tiến thẳng về chỗ bạch xà. Mọi người nín thở, trong lòng đều nghĩ rằng: “Tên ngốc này ….”
Swordsoul – Thập kiếm Trung Hoa
Sáng hôm sau, nghĩ rằng anh chàng kia đã làm mồi ngon cho bạch xà, mọi người đành tiếp tục lên đường. Đi được một đoạn, đột nhiên, mọi người nhìn thấy một con bạch xà to lớn bị chém làm hai vất ở bên đường. Đi thêm mấy dặm nữa, phát hiện chàng thanh niên nọ đang nằm ngủ, trên người anh ta bao phủ một đám mây, trong đám mây có con xích long đang lượn lờ bay lui bay tới. Còn cây gậy sắt không thấy đâu, thay vào đó là một thanh bảo kiếm có thất thái châu, có cửu hoa ngọc, sáng rực rỡ, thân kiếm khắc rõ ràng hai chữ triện: “xích tiêu”. Trong phút chốc, mọi người đều tin những lời của chàng thanh niên nọ đều là thật.
Anh chàng đó chính là Lưu Bang, còn thanh kiếm kia chính là kiếm Xích Tiêu chém rắn khởi nghĩa.
Trong artwork, ta có thể tưởng tượng được cảnh hùng dũng của người thanh niên kia khi diệt con bạch xà; và đặc điểm của cây kiếm như trong truyện trên đã nói như thế nào.
6. Cheng Ying, the Swordsoul Grand Duke:
Quái thú Synchro cuối cùng chúng ta tìm hiểu đó là Cheng Ying, the Swordsoul Grand Duke. Nó được lấy cảm hứng từ thanh kiếm Thừa Ảnh (承影).
Thừa Ảnh là kiếm của Phong Tộc, trong đại chiến bách tộc bị một Tiên Đảo Nữ Tử lấy đi. Kiếm là trường kiếm dài bốn thước Ngũ tấc, không thấy lưỡi, chỉ có thể nhìn thấy bóng dưới ánh trăng phản chiếu, còn nếu ban ngày sáng trưng hoặc ban đêm tối mực thì hoàn toàn không thấy. “Nhìn như vô hình, vẫn là hữu hình”, nên mới gọi là Thừa Ảnh.
Trong artwork, ta có thể thấy được Konami đã khắc họa những đặc điểm trên rõ nét và sinh động tới nhường nào.
7. The Iris Swordsoul:
Lá bài cuối cùng chúng ta tìm hiểu là The Iris Swordsoul. Cô nàng này nếu các bạn tinh ý thì thấy đó là Fleurdelis của Dogmatika. Tương ứng với 3 hiệu ứng được mô tả trong dòng effect, cô nàng này cũng sở hữu 3 thanh kiếm quý giá, đó là Trạm Lư (湛卢), Thắng Tà (胜邪) và Ngư Trường (鱼肠).
a) Trạm Lư:
Thanh kiếm của Việt Vương Câu Tiễn, tên là Trạm Lư, làm bằng đồng, lưỡi kiếm pha thiếc để cứng và sắc hơn.
Khi nghe tin Việt vương Doãn Thường đúc được năm thanh kiếm, Ngô vương đã sai người sang đòi. Doãn Thường thấy nước Ngô mạnh; đành phải đem ba thanh Trạm Lư, Thắng Tà, Ngư Trường đem cống nạp cho Ngô. Về sau Ngô Vương Hạp Lư đem thanh Ngư Trường đưa cho Chuyên Chư hành thích Vương Liêu trở thành vua nước Ngô.
Thanh kiếm Trạm Lư bị rơi xuống nước, sau Sở vương tìm được. Vua nước Tần nghe tin đòi không được nên đem quân đánh Sở nhưng Sở vương nhất định không giao. Không biết vì sao Trạm Lư rơi vào tay vua nước Ngô là Phù sai. Sau này Việt vương câu tiễn diệt Ngô; thanh Trạm Lư được Việt Vương rất yêu quý vào luôn đem theo mình. Khi chết Trạm Lư được chôn theo Việt Vương Câu Tiễn và mới tìm được khi khai quật.
-> Trạm Lư, một thanh kiếm đa chủ, lưu lạc khắc đất Trung Quốc; giống như chủ nhân nữ kiếm sĩ hiện tại – lưu lạc khỏi Dogmatika và đi đến nhiều vùng trên thế giới Yu-Gi-Oh!. Nhưng cuối cùng Trạm Lư được dành tặng cho nữ kiếm sĩ – kẻ thù từng săn đuổi, giết hại tất các Thiết thú (Tri-Brigade), chính là trở về với Việt Vương Câu Tiễn vậy.
Trong artwork, thanh kiếm Trạm Lư (theo mình thấy) là thanh kiếm The Iris cầm lên và cũng làm nên tên tuổi của cô nàng này trong thế giới Yu-Gi-Oh! như vậy.
b) Thắng Tà:
Trong 5 thanh kiếm của Âu Dã Tử thì Thắng Tà là hạng nhất, Thuần Quân, Trạm Lư là thứ hai, rồi đến Ngư Trường. Cự Khuyết đứng hạng chót. Khi đúc thanh Cự Khuyết, vàng và đồng không hợp được với nhau nên Cự Khuyết chỉ sắc bén chứ không phải là bảo kiếm.
Thắng Tà mạnh nhất nhưng sau khi rơi vào tay vua nước Ngô thì mất dấu.Trong lịch sử và cả truyện không thấy mấy khi nhắc đến thanh này.
-> Đây là thanh kiếm phụ trợ cho cô nàng The Iris. Danh tính nó có vẻ mờ nhạt do nữ kiếm sĩ dùng chủ yếu là thanh Trạm Lư.
Trong artwork, thanh kiếm Thắng Tà theo mình suy đoán là thanh kiếm thứ 2.
c) Ngư Trường:
Gọi là kiếm thì quá ngắn. Đoản kiêm hay chuy thủy thì hợp lý hơn. Vì nó ngắn và sắc bén vô cùng chém sắt như chém bún. Chém đầu như thái rau vì vậy thích hợp cho thích khách sử dụng. Chuyên Chư đã giấu nó vào bụng cá để hành thích Vương Liêu.
Khi ấy Công tử Quang mở tiệc rượu mời Ngô vương, Ngô vương Liêu tuy ăn tiệc ở tư dinh của Công tử Quang nhưng dàn binh dày đặc để bảo vệ. Vì vệ sĩ của Ngô Liêu cảnh giới rất nhiều, công tử Quang phải giả cách đau chân; bước vào nhà hầm trốn. Nhưng Ngô vương Liêu không ngờ rằng Chuyên Chư đã mưu giấu cây chủy thủ trong bụng con cá rán. Rồi nhân lúc dâng món ăn bất ngờ lôi chủy thủ ra đâm chết Ngô vương, bản thân Chuyên Chư cũng lập tức bị thủ hạ của Ngô vương giết chết. Ngô vương Liêu chết rồi, công tử Quang lên ngôi, tức Ngô vương Hạp Lư.Sau đó Hạp Lư cho rằng thanh Ngư Trường luôn mang đến điềm gở nên cho người giấu đi và mất dấu luôn từ đó.
-> Có vẻ như The Iris đã phạm tội rất nặng (ám sát ai đó), nên đã sang Trung Quốc để cầu viện các Swordsoul. Nữ kiếm khách đã mang đến điềm gở cho vùng đất này! Sát thủ của Giáo hoàng đã tới!
*Kết luận:
Như có thể thấy, chúng ta đã đi tìm hiểu vê 9 loại kiếm cổ của Trung Quốc. Nhưng ở đây chỉ có 8 thanh là bảo kiếm (trừ Thắng Tà). Còn Hiên Viên Hạ Vũ Kiếm và thanh Can Tương chưa ra mắt, vẫn sẽ còn là một bí ẩn lớn. Liệu các bạn nghĩ chúng sẽ như thế nào? Hãy để lại suy nghĩ dưới comment nhé!
Đó chính là tất cả những gì tụi mình muốn mang lại cho các bạn trong bài viết này. Hi vọng, từ những lá bài Yu-Gi-Oh! trên, các bạn có thể hiểu hơn về những truyền thuyết hay những bảo vật kì lạ. Chào các bạn và hẹn gặp lại các bạn ở những chương truyện sau!
Facebook: https://www.facebook.com/YuGiOh.Guidance.Vietnam
i* Lưu ý: Yu-Gi-Oh! Guidance Vietnam luôn ủng hộ việc chia sẻ bài viết để có thể tiếp cận với nhiều độc giả hơn. Tuy nhiên, yêu cầu các bạn khi copy bài viết lên các trang khác phải ghi rõ nguồn Yu-Gi-Oh! Guidance Vietnam – How to master Yugioh card game. Cảm ơn các bạn. *
Thế giới bài ma thuật còn ẩn chứa rất nhiều điều thú vị và chính các bạn, các độc giả của Yu-Gi-Oh! Guidance Vietnam, là người tìm ra những sáng tạo đó. Mỗi Share hoặc like của các bạn sẽ là động lực giúp Blog phát triển hơn!